Bênh nặng vì chủ quan chấn thương khi thể thao không xử trí sớm
PGS. Khánh chia sẻ, các bác sĩ đã gặp trường hợp thanh niên 30 tuổi do chơi thể thao bị chấn thương khớp gối hai bên. Nhưng bệnh nhân này đã không điều trị mà “để mặc cho tự khỏi”, thậm chí còn băng bó vết thương tạm thời và tiếp tục chơi tiếp. Khi đau quá không đi lại được, bệnh nhân đến khám và có chỉ định mổ nội soi. Khi tiến hành nội soi khớp gối các bác sĩ phát hiện khớp gối đã bị thoái hóa toàn bộ, các khớp gối lỏng lẻo như người 60-70 tuổi. Điều này là hậu quả của việc chấn thương không được xử trí kịp thời. Người bệnh khi bị đau nhưng vẫn chủ quan băng bó vết thương và tiếp tục chơi.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cũng cho biết thêm, những chấn thương mà các bác sĩ gặp tại BV không hề hiếm, có những “ chấn thương” mà không ai ngờ tới đó là môn thể thao vật tay. Đáng nói là cứ 2-3 tháng lại có bệnh nhân nhập viện vì chấn thương do chơi vật tay. Sở dĩ môn thể thao tưởng như đơn giản và “khó” có khả năng gây ra chấn thương này người chơi lại hay gặp chấn thương là do người chơi thiếu kiến thức vì nghĩ rằng môn thể thao này rất đơn giản.
Do đó, họ chỉ chú ý tập trung tập luyện phần cơ mà quên đi các tư thế đúng của vật tay và không quan tâm đến phần bổ sung dinh dưỡng cho xương dẫn đến các chấn thương xoắn cổ tay. Cùng với đó, các bác sĩ cũng thường xuyên gặp những chị em phụ nữ tập Yoga bị chấn thương khớp gối, háng,.. do sai tư thế và vận động quá mức hoặc trước khi tập không khởi động kỹ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, trưởng khoa Y học thể thao, BV Việt Đức
Vì đâu nên nỗi?
Theo các chuyên gia y học thể thao những trường hợp chấn thương như trên không hiếm và các bác sĩ gặp thường xuyên.
"Có đến 60-70% các chấn thương trong người chơi thể thao nghiệp dư gặp phải. Nguyên nhân là do khởi động không đúng cách, khởi động chưa kỹ. Trước khi chơi thể thao người chơi cũng không hiểu biết sâu sắc về môn thể thao mà mình chơi, thường chơi theo cảm tính và bản năng. Cũng có những trường hợp “ham chơi” mà không phòng tránh, khi chấn thương rồi cứ cố chơi hoặc tự điều trị nên dẫn đến tình trạng như trên", PGS Khánh nói.
Đồng quan điểm trên, BS. Nguyễn Trọng Thủy, BSCKI Y học thể thao, Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia Hà Nội, Bác sĩ đội tuyển U23 Việt Nam cung cấp thêm thông tin, các chấn thương do vận động thường là thiếu ý thức, thiếu tập trung trong lúc tập luyện và thi đấu. Đối với các vận động viên thì do tình trạng quá tải kéo dài. Người chơi chưa kịp thời bổ sung nước điện giải, năng lượng chưa đầy đủ. Ngoài ra nguyên nhân chấn thương có thể do cấu trúc giải phẫu tùy với môn thể thao cụ thể như chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹp…Cũng có thể do thời tiết quá nóng, hoặc quá lạnh, hoặc trang phục tập luyện chưa phù hợp với môn thể thao mà mình tập luyện.
BSCKI. Nguyễn Trọng Thủy - Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia Hà Nội, Bác sĩ đội tuyển U23 Việt Nam
Bên cạnh đó, BS. Thủy cũng khuyến cáo, tình trạng một số người tự lên mạng tham khảo và tập theo hướng dẫn trên mạng mà không có huấn luận viên trực tiếp hướng dẫn hiện nay khá phổ biến. Điều này dẫn đến nguy cơ gặp chấn thương cũng sẽ rất cao. Do tập sai tư thế, sai động tác, sai kỹ thuật nên có thể dẫn đến các chấn thương dây chằng, gân cơ... Ngay cả trong một số trường hợp có huấn luyện viên hướng dẫn nhưng do người tập ham uốn dẻo hoạc do sơ xuất vẫn có thể bị chấn thương. Do đó, người chơi thể thao cũng cần lượng sức mình, lắng nghe cơ thể mình để tránh tập quá sức sẽ gây ra những chấn thương...
Phòng tránh chấn thương thế nào?
Theo đó, để phòng tránh chấn thương thể thao, hai chuyên gia y học thể thao PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh và BSCKI Y học thể thao Nguyễn Trọng Thủy khuyến cáo.
Phải khởi động kỹ trước khi tập luyện và thi đấu, khi tập xong thì thả lỏng căng cơ thật kỹ.
Bổ sung nước và điện giải để cung cấp nước và năng lượng đầy đủ.
Cần tìm hiểu kỹ các môn thể thao mình sẽ tham gia tập luyện và chơi tập trung
Nên điều trị chấn thương khỏi hẳn mới tiếp tục chơi thể thao tránh tình trạng các chấn thương cũ chưa khỏi lại "dính" thêm chấn thương mới sẽ gây khó khăn trong quá tình tập luyện và để lại hệ quả sau này.
Khi đã bị chấn thương cần phải dừng tập không cố chạy và cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa y học thể thao. Bác sĩ sẽ xem xét chấn thương ở các mức độ nào để có những chỉ định phù hợp.
Các bước sơ cứu khi bị chấn thương thể thao
Khi bị chấn thương điều đầu tiên cần làm là dừng chơi. Với chấn thương nhẹ thì chườm mát bằng cách cho đá vào túi nước để ở nhiệt độ khoảng 6-12 độ C. Sau đó băng ép cố định. Cố gắng kê cao vùng tổn thương lên nhằm giảm ứ trệ tuần hoàn máu. Sau 24-72 giờ mà vết thương vẫn sưng tấy, không thuyên giảm nên đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
Nếu bị nặng hơn có thể dùng thuốc chống phù nề, giảm đau, dạng xịt, bôi, kem, nếu trong tình trạng rất nặng thì xử trí ngay tại sân tập để bệnh nhân nằm bất động tạm thời, xem người bệnh có gẫy xương, hay tổn thương ở những chô nào không ví dự như cột sống cổ…. cần phải cố định và gọi đội vận chuyển chuyên nghiệp bởi nếu không có kỹ năng mà vận chuyển sai tư thế sẽ có thể làm tăng mức độ tổn thương cho người bệnh. Trong những trường hợp tổn thương vùng cổ, tủy sống nếu không vận chuyển đúng cách người bệnh có thể bị liệt...
H.Nguyên
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN MẠNH KHÁNH
PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
TRƯỞNG KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH I
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC, HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B3, Bệnh viện Việt Đức - Điện thoại: 0913.588.199
Lịch khám bệnh Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh: 8h30 - 11h30 sáng thứ 3 hàng tuần, Phòng 16, Nhà C2, BV Việt Đức
Email: ngmanhkhanh@hotmail.com | Website: www.thaykhopnoisoi.com | Facebook: Nguyen Manh Khanh