thay khớp nội soi
Trang chủ » Thông tin báo chí
Thông tin báo chí

Phần lớn người bị chấn thương cổ bàn chân do thể thao đi khám muộn

Thứ Bảy, 06/04/2019, 13:41:26

NDĐT - Đó là chia sẻ của các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành chấn thương thể thao của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại buổi khám, tư vấn miễn phí chấn thương thể thao cổ bàn chân tổ chức sáng 6-4.

Phần lớn người bị chấn thương cổ bàn chân do thể thao đi khám muộn

Các bác sĩ đang khám cổ bàn chân cho một trường hợp có dấu hiệu chấn thương.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khá nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là chạy bộ... Riêng chấn thương cổ bàn chân, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám cho khoảng 20 trường hợp, trong đó điều trị cho 5-10 ca, có những trường hợp phải chỉ định phẫu thuật.

Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp đến muộn là do chủ quan, bị chấn thương nhưng tự chữa, đến khi đau quá, khó chịu, thậm chí bị viêm nhiễm, có ổ áp-xe... mới đến bệnh viện. Khi đó hiệu quả điều trị sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này.

Như trường hợp người bệnh N.V.T, 37 tuổi (ở Hà Nội) bị đau cổ chân sau chơi bóng đá, nhưng do đau dai dẳng nên gần một năm sau mới đi khám bác sĩ. Kết quả chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy hình ảnh tổn thương sụn xương sên ở cổ chân. Người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt... Người bệnh được mổ nội soi, điều trị tổn thương. Sau mổ hết đau, biên độ vận động được cải thiện, sau vài tuần bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh cho hay, chấn thương do chơi thể thao có nhiều mức độ, nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu; nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân… Tuy nhiên, nhiều người bệnh đến viện trong tình trạng muộn hoặc người bệnh chủ quan cố chịu đau. Nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…

Vì vậy, người chơi thể thao khi gặp chấn thương, thấy có biểu hiện khác thường nên đến khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không nên chủ quan, tự ý đi mua thuốc về dùng, không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp...

MINH HOÀNG

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN MẠNH KHÁNH
PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
TRƯỞNG KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH I

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC, HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B3, Bệnh viện Việt Đức - Điện thoại: 0913.588.199
Lịch khám bệnh Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh: 8h30 - 11h30 sáng thứ 3 hàng tuần, Phòng 16, Nhà C2, BV Việt Đức
Email: ngmanhkhanh@hotmail.com  |  Website: www.thaykhopnoisoi.com  |  Facebook: Nguyen Manh Khanh

http://www.xemayvn.co/

http://www.xemayvn.co/2017/08/nhong-sen-dia-nhong-xich.html