thay khớp nội soi
Trang chủ » Phẫu thuật thay khớp
Phẫu thuật thay khớp

Thay khớp háng nhân tạo: khi nào phải phẫu thuật?

TS.BS. NGUYỄN MẠNH KHÁNH- Thay khớp háng là phẫu thuật thay thế phần khớp háng đã bị hỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau bằng khớp háng nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng có thể là toàn bộ khớp háng hoặc bán phần khớp háng. Thay toàn bộ khớp háng là thay thế cả phần ổ cối xương chậu và chỏm xương đùi, trong khi thay bán phần khớp háng chỉ thay phần chỏm xương đùi.

1. Lịch sử phẫu thuật thay khớp háng:

          Có thể điểm qua một số mốc cơ bản của phẫu thuật thay khớp háng như sau:

          - Tác giả Gluck T (1891, Đức) lần đầu báo cáo sử dụng ngà voi để thay chỏm xương đùi

          - Philip Wiles (1938, Anh): thay khớp háng toàn phần bằng loại thép không rỉ, cổ chỏm được cố định bằng nẹp vít

           - Austin T. Moore (1940, bệnh viện Columbia, Hoa kỳ) thay chỏm xương đùi bằng hợp kim Cobalt-Chrome Vitalium

          - Sir John Charley (thập niên 1960): sử dụng chuôi khớp bằng kim loại, ổ cối bằng vật liệu polyethylene trọng lượng phân tử cao (UHMWPE: Ultra High Molecular Weight Polyethylene) và xi măng xương (PMMA: Polymethylmethacrylate) để cố định khớp háng nhân tạo và áp dụng nguyên lý khớp háng ma sát thấp (low friction arthroplasty)

          - Đầu thập niên 1970: sử dụng kim loại có bề mặt nhám để tạo ra sự cố định giữa xương và khớp háng nhân tạo. Hai loại hợp kim Cobalt-Chrome và Titanium đều được sử dụng để tạo ra bề mặt rỗ hoặc các sợi kim loại đan xen với nhau.

          - Hiện nay: khớp nhân tạo được phủ thêm Hydroapatite (HA) lên bề mặt để tạo ra sự tương thích sinh học với xương, giúp cố định vững chắc khớp háng nhân tạo mà không cần sử dụng đến xi măng xương.

2. Chỉ định thay khớp háng:

          Mục đích của thay khớp háng: giảm đau, cải thiện chức năng khớp háng. Thay khớp háng có thể được chỉ định trong những trường hợp sau:

          - Thoái hóa khớp háng (osteoarthritis)

 

Hình 1. Bệnh nhân nam, 66 tuổi, thoái hóa khớp háng 2 bên được phẫu thuật

thay toàn bộ khớp háng ngày 2/6/2014 (Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

          - Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis)

          - Hoại tử chỏm xương đùi (avascular necrosis)

 

Hình 2. Bệnh nhân nam, 37 tuổi, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi 2 bên được phẫu thuật

thay toàn bộ khớp háng ngày 19/6/2014 (Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

          - Viêm khớp sau chấn thương (traumatic arthritis)

 

Hình 3. Bệnh nhân nam, 38 tuổi, tiêu chỏm xương đùi, còn trật khớp háng trái sau chấn thương vỡ ổ cối, trật khớp háng 5 tháng (tại tuyến dưới) được phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng ngày 28/2/2014

(Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

          - Gãy xương vùng khớp háng

 

Hình 4. Bệnh nhân nữ, 74 tuổi, gãy cổ xương đùi phải cách 5 tháng, bệnh phối hợp: cao huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, liệt 1/2 mặt, được phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng ngày 15/9/2014

(Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

          - U xương vùng khớp háng

          - Viêm khớp phối hợp với bệnh Paget

          - Viêm dính khớp háng/Viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis)

 

Hình 5. Bệnh nhân nam, 56 tuổi, tiền sử viêm cột sống dính khớp 20 năm, được phẫu thuật

thay toàn bộ khớp háng ngày 8/4/2013 (Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

          - Viêm khớp dạng thấp tuổi thiếu niên (juvenile rheumatoid arthritis)

 

Hình 6. Bệnh nhân nữ, 40 tuổi, tiền sử viêm xương khớp háng từ nhỏ, được phẫu thuật

thay toàn bộ khớp háng ngày 23/6/2014 (Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

          - Mòn ổ cối nguyên phát hoặc thứ phát sau thay khớp háng toàn bộ hoặc bán phần, gãy trật trung tâm, viêm khớp nhiễm trùng...

 

Hình 7. Bệnh nhân nam, 77 tuổi, mòn ổ cối sau thay khớp háng cách 8 năm, được phẫu thuật

thay lại toàn bộ khớp háng ngày 13/4/2011 (Phẫu thuật viên: TS. Nguyễn Mạnh Khánh)

 

3. Nguy cơ và biến chứng sau thay khớp háng:

          - Trật khớp háng nhân tạo: hay gặp nhất sau thay khớp háng, nguyên nhân có thể do kỹ thuật đặt khớp không chuẩn hoặc do người bệnh không tuân thủ đúng các tư thế và bài tập sau mổ.

          - Nhiễm trùng: có tỷ lệ nhất định nhiễm trùng sau mổ, nguyên nhân có thể do lây nhiễm trong quá trình phẫu thuật, chăm sóc vết thương không đảm bảo...

          - Viêm tắc tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi: để phòng tránh nên siêu âm tĩnh mạch chi dưới để tầm soát trước và sau mổ, phối hợp dùng thuốc chống đông sau phẫu thuật.

          - Tử vong: đây là rủi ro ngoài mong muốn, tỷ lệ dưới 1%

          - Lỏng khớp háng nhân tạo (osteolysis)

          - Phản ứng kim loại (metal sensivity- metal toxicity)

          - Liệt thần kinh hông to hoặc thần kinh đùi sau mổ: hiếm gặp

          - Đau mãn tính

          - Lệch chiều dài chi

(Bản quyền thuộc về tác giả, các bạn hoặc các website khác khi sử dụng lại xin vui lòng trích dẫn nguồn http://thaykhopnoisoi.com)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN MẠNH KHÁNH
PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
TRƯỞNG KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH I

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC, HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B3, Bệnh viện Việt Đức - Điện thoại: 0913.588.199
Lịch khám bệnh Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh: 8h30 - 11h30 sáng thứ 3 hàng tuần, Phòng 16, Nhà C2, BV Việt Đức
Email: ngmanhkhanh@hotmail.com  |  Website: www.thaykhopnoisoi.com  |  Facebook: Nguyen Manh Khanh

http://www.xemayvn.co/

http://www.xemayvn.co/2017/08/nhong-sen-dia-nhong-xich.html