thay khớp nội soi
Trang chủ » Phẫu thuật nội soi khớp
Phẫu thuật nội soi khớp

Sụn chêm hình đĩa (mésnisque discoide) là một dị dạng bẩm sinh của sụn chêm, được Young mô tả lần đầ

Sụn chêm hình đĩa: một bệnh lý hiếm gặp

TS.BS. NGUYỄN MẠNH KHÁNH- Sụn chêm hình đĩa (mésnisque discoide) là một dị dạng bẩm sinh của sụn chêm, được Young mô tả lần đầu tiên năm 1889 và sau đó là Watson-Jones vào năm 1930. Tỷ lệ gặp 1-5%, hay gặp ở sụn chêm ngoài (0,4-17%), sụn chêm trong rất hiếm gặp (0,06-0,3%), tỷ lệ bị ở cả hai bên khớp gối 5-20%. 

1. Phôi thai và giải phẫu học của sụn chêm

Sụn chêm phát triển từ lá phôi giữa (trung mô) trong giai đoạn bào thai. Sụn chêm hình thành rõ ràng từ tuần thứ 8 thai kỳ và đạt tới hình thể giải phẫu hoàn chỉnh ở tuần thứ 14 của thai kỳ mà không có dạng hình đĩa. Nguồn cấp máu từ ngoài vào giảm dần trong quá trình phát triển. Đến khi trẻ 9 tháng tuổi, phần 1/3 trong của sụn chêm trở nên vô mạch. Khi trẻ lớn đến khoảng 10 tuổi chỉ có phần 1/3 ngoài của sụn chêm còn được cấp máu, phần 2/3 trong của sụn chêm được nuôi dưỡng nhờ vào sự thẩm thấu của dịch khớp.

Ở người trưởng thành, sụn chêm trong có hình chữ C, che phủ 50% bề mặt mâm chày trong và được giữ vào bao khớp bởi các dây chằng vành, chày-sụn chêm và bên trong. Sụn chêm ngoài có hình chữ O, rộng 12 mm, dày 4 mm, che phủ 70% bề mặt mâm chày ngoài và được giữ vào bao khớp cả ở phía trước và sau (phía sau được tăng cường bởi dây chằng đùi-sụn chêm trước và sau), trong khi phần bên ngoài giữ với bao khớp rất lỏng lẻo. Do vậy, biên độ dịch chuyển của sụn chêm ngoài lớn nhất ở phía bên ngoài trong quá trình gấp duỗi (10 mm so với 2,5 mm), đặc điểm này giúp cho sụn chêm không bị rách. 

2. Phân loại

- Watanabe (1974) phân loại các thể sụn chêm hình đĩa như sau:

+ Thể I: sụn chêm hình đĩa hoàn toàn: sụn chêm che phủ toàn bộ mặt mâm chày ngoài, thể này hay gặp nhất (80%)

+ Thể II: sụn chêm hình đĩa một phần: sụn chêm che phủ một phần mâm chày ngoài, thể này chiếm khoảng 10%

+ Thể III: thể dây chằng Wrisberg: sừng sau của sụn chêm bong khỏi mâm chày. Bình thường sừng sau sụn chêm chỉ bám bởi dây chằng đùi-sụn chêm Wrisberg căng giữa lồi cầu trong xương đùi và bờ ngoại vi của sụn chêm ngoài, ở thể này sừng sau sụn chêm không bám vào mâm chày sẽ khiến sụn chêm rất di động và gây ra hội chứng "snapping knee" (khớp gối kêu lách tách)

- Monllau bổ sung thêm thể IV: sụn chêm có hình nhẫn, phần bám sừng sau sụn chêm bình thường.

- Phân loại của Bin có sửa đổi của O'Connor dựa trên đánh giá tổn thương của sụn chêm trong mổ bao gồm: rách chẻ thớ đơn giản và phức tạp, rách dọc, rách kiểu tia, thoái hóa, rách phức tạp. Các tác giả thấy có mối liên quan giữa loại tổn thương với mức độ cắt sụn chêm. Cắt một phần sụn chêm khi rách kiểu tia và thoái hóa. Cắt sụn chêm gần toàn bộ hoặc hoàn toàn khi rách dọc hoặc phức tạp.  

3. Triệu chứng lâm sàng

- Dấu hiệu lâm sàng rất khác nhau tùy theo thể sụn chêm hình đĩa, vị trí (trong hay ngoài), mức độ rách và độ vững của sụn chêm.

- Đau tại khớp gối.

- Dấu hiệu kẹt khớp: đôi khi bệnh nhân đột ngột không thể duỗi hết gối, sau khi cố gắng vận động gối có thể duỗi trở lại.

- Có thể nghe thấy kêu trong khớp khi đi lại hoặc gấp duỗi gối.

- Đau tại khe khớp khi ấn ngón tay vào khớp gối.

- Hội chứng "snapping knee" điển hình: thường thấy ở trẻ lớn, không có tiền sử chấn thương, nghe hoặc ấn thấy tiếng kêu lách tách ở khớp gối khi gối bắt đầu duỗi hết (10-20°), kèm theo sưng đau và kẹt khớp.

- Hạn chế duỗi gối.

- Teo cơ tứ đầu đùi: thường do hậu quả của hạn chế vận động chân bên đau. 

4. Chẩn đoán hình ảnh

- Hình ảnh X quang: có thể thấy các dấu hiệu gợi ý như

+ Khe khớp giữa lồi cầu ngoài xương đùi và mâm chày ngoài xương chày rộng ra

+ Mâm chày ngoài vát xuống dưới và ra ngoài

+ Bẹt gai chày

+ Lồi cầu ngoài xương đùi hình vuông

- Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI): có giá trị chẩn đoán khá chính xác vị trí, hình thái tổn thương sụn chêm khớp gối.

+ Tiêu chuẩn hay được áp dụng nhất là: tỷ lệ giữa chỗ hẹp nhất với chỗ rộng nhất của sụn chêm trên mặt phẳng trán (coronal slice) lớn hơn 20%, tỷ lệ giữa chiều rộng sừng bên với đường kính sụn chêm trên mặt phẳng đứng dọc (sagittal slice) lớn hơn 75%.

Hình 2. Hình ảnh cộng hưởng từ sụn chêm ngoài hình đĩa, khớp gối trái

+ Tiêu chuẩn ít chính xác hơn là: chiều rộng của sụn chêm tại vị trí hẹp nhất lớn hơn 15 mm, và trên ít nhất 3 lát cắt đứng dọc có sự liên tục giữa sừng trước và sừng sau của sụn chêm.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN MẠNH KHÁNH
PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
TRƯỞNG KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH I

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC, HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B3, Bệnh viện Việt Đức - Điện thoại: 0913.588.199
Lịch khám bệnh Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh: 8h30 - 11h30 sáng thứ 3 hàng tuần, Phòng 16, Nhà C2, BV Việt Đức
Email: ngmanhkhanh@hotmail.com  |  Website: www.thaykhopnoisoi.com  |  Facebook: Nguyen Manh Khanh

http://www.xemayvn.co/

http://www.xemayvn.co/2017/08/nhong-sen-dia-nhong-xich.html