thay khớp nội soi
Trang chủ » Kiến thức y khoa
Kiến thức y khoa

Khi dây chằng khớp gối bị đứt

Đứt dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương thường gặp nhất ở vùng khớp gối, có thể xảy đến với bất kỳ ai, bất cứ lứa tuổi nào. Vậy làm thế nào để nhận biết khi bị đứt dây chằng chéo trước và hướng xử trí ra sao trong trường hợp này?

Xem bài viết trên báo SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG Ở ĐÂY.

Tai nạn thường gặp khi chơi thể thao

Hoàn cảnh thường gặp nhất của đứt dây chằng chéo trước là do chấn thương trong khi chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis...), kế đến là do tai nạn giao thông (va chạm xe máy, xe đạp, ôtô...) và do tai nạn sinh hoạt (ngã trượt chân cầu thang, trên sàn nhà...)

Chấn thương trong khi chơi thể thao chiếm tới 70% (chủ yếu là gián tiếp): chân bị xoắn vặn đột ngột trong khi đang chạy, bàn chân bị cố định đột ngột do sa chân xuống hố hoặc bị người khác dẫm vào (đá bóng) hoặc người chơi xoay người chuyển hướng quá nhanh (tennis), hay do nhảy cao rồi rơi xuống tiếp đất trong tư thế chân không thuận hoặc trụ chân không chuẩn (bóng chuyền, bóng rổ).

Cơ chế chấn thương trực tiếp (chiếm 30%) do va chạm trực tiếp vào vùng gối, hay gặp trong tình huống cản hay vào bóng (bóng đá) hoặc do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt.

Những biểu hiện dễ nhận biết khi bị đứt dây chằng chéo trước

Nhiều bệnh nhân có thể nghe hoặc cảm nhận thấy tiếng “rắc” ở gối ngay sau chấn thương, sau đó là đau và sưng nề khớp gối.

Lỏng gối: một thời gian sau khi hết đau và sưng nề khớp gối, người bệnh có thể đi lại bình thường nhưng sẽ thấy lỏng gối, thể hiện bởi những triệu chứng như: Cảm giác chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại; Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng, thỉnh thoảng đang đi bị trẹo gối; Đi lên đi xuống cầu thang khó khăn, cảm giác rất sợ khi phải đặt chân bị chấn thương xuống trước. Nếu cố gắng chơi thể thao trở lại, người bệnh không thể hoặc rất khó để trụ bên chân chấn thương, không thể chạy nhanh hoặc chạy theo hình chữ chi, đôi khi đang chạy, người bệnh tự ngã mặc dù không có va chạm.

Teo cơ: đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, nhất là mặt trước do teo cơ tứ đầu đùi. Đây là hậu quả của đau, lỏng gối nên người bệnh không vận động chân bị chấn thương, khi đi lại chủ yếu tì đè bên chân lành, dẫn đến cơ đùi càng ngày teo và chân càng yếu.

Một số nghiệm pháp điển hình

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp điển hình như:

Dấu hiệu ngăn kéo trước:

Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám, khớp gối gấp 90°, khớp háng gấp 45°. Thầy thuốc ngồi ở phía dưới, một tay giữ chắc cổ chân, một tay ôm lấy bắp chân và kéo bắp chân ra phía trước hoặc có thể ngồi lên mu bàn chân để cố định chân cần khám, hai tay đặt vào phía sau 1/3 trên cẳng chân và dùng lực kéo bắp chân ra trước. Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương sẽ thấy sự di lệch của mâm chày so với lồi cầu đùi nhiều hơn so với bên chân lành. Nếu biên độ lớn hơn bên lành từ 6 - 8mm là dương tính.

Dấu hiệu Lachman: Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám, khớp gối gấp 20-30°. Thầy thuốc dùng một tay cố định chặt đầu dưới xương đùi, một tay giữ chặt cẳng chân ngay dưới khe khớp gối, dùng lực của hai tay đối nhau tạo ra sự trượt giữa mâm chày và lồi cầu đùi, ước lượng độ di lệch để đánh giá mức độ tổn thương và so sánh với bên lành.

Dấu hiệu Pivot shift (dấu hiệu chuyển trục): Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám. Thầy thuốc đứng ở phía dưới bên chân cần khám. Trước hết, để gối duỗi tối đa, dùng một tay giữ chặt cổ chân của bệnh nhân và xoay trong tối đa, một tay nắm 1/3 trên cẳng chân, đồng thời vừa gấp gối vừa đẩy gối vào trong, xoay chân từ trong ra ngoài. Nếu dây chằng chéo trước bị tổn thương thì mâm chày có dấu hiệu bán sai khớp trượt ra trước. Khi làm dấu hiệu này, bệnh nhân thường rất đau, tốt nhất là thực hiện khi người bệnh đã được vô cảm tốt.

Xử trí thế nào?

Trên đây chỉ là một số triệu chứng điển hình của đứt dây chằng chéo trước khớp gối, tốt nhất, người bệnh không nên tự điều trị bằng các phương pháp như đắp lá, dán cao, bẻ gối... mà nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác.

Trường hợp tổn thương đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn, việc phẫu thuật sẽ được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. Nếu bệnh nhân nữ hoặc bệnh nhân không có nhu cầu vận động cao, mức độ lỏng gối không nhiều, không kèm theo các thương tổn khác như sụn chêm... thì có thể không cần thiết phải phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay sau khi chấn thương, bệnh nhân cần được bất động gối bằng nẹp trong 3-4 tuần tùy theo thương tổn cụ thể và kết hợp với thuốc điều trị. Một số trường hợp bệnh nhân có nhu cầu vận động cao hoặc thương tổn đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng phần còn lại của dây chằng không đảm bảo chức năng, tránh nguy cơ thoái hóa gối sau này cũng như chơi thể thao trở lại thì lựa chọn phẫu thuật là hợp lý.

Trong trường hợp tổn thương đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, phẫu thuật là sự lựa chọn cần thiết.

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh (Phó Trưởng khoa CTCH II, Bệnh viện Việt Đức)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN MẠNH KHÁNH
PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
TRƯỞNG KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH I

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC, HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B3, Bệnh viện Việt Đức - Điện thoại: 0913.588.199
Lịch khám bệnh Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh: 8h30 - 11h30 sáng thứ 3 hàng tuần, Phòng 16, Nhà C2, BV Việt Đức
Email: ngmanhkhanh@hotmail.com  |  Website: www.thaykhopnoisoi.com  |  Facebook: Nguyen Manh Khanh

http://www.xemayvn.co/

http://www.xemayvn.co/2017/08/nhong-sen-dia-nhong-xich.html